Nền tảng MQB hình thành bởi mong muốn tìm ra tiếng nói chung cho những sản phẩm vốn không mấy tương đồng. Nhờ khung gầm MQB, Volkswagen hiện được coi là người tiên phong mở ra cuộc cách mạng mới trong lĩnh vực thiết kế xe hơi.
Lý do hình thành
Trước khi bắt đầu câu chuyện về nền tảng MQB (hay Modular Transverse Matrix), xin điểm lại hai ví dụ sau:
Thứ nhất, ai cũng biết TDI 1.9L là động cơ thành công bậc nhất của Volkswagen vì nó đã xuất hiện trên hàng trăm mẫu xe lớn nhỏ của hãng này. Tuy nhiên, khi lưu trú trên các mẫu xe khác nhau, do chỉ số về gầm, trục, hệ dẫn động, khoảng cách bánh xe… không đồng nhất đã buộc các kỹ sư phải chỉnh sửa động cơ ít nhiều so với cấu hình nguyên bản. Vì thế, khó có thể tin được khi TDI 1.9 hiện đã có đến 130 biến thể khác nhau.
Thứ hai, chẳng có mẫu Beetle mới nào được sản xuất tại nhà máy VW nằm ở Puebla, (Mexico) cho dù đây đã từng là cái nôi khai sinh ra hàng triệu chiếc New Beetle trong suốt 12 năm (từ năm 1998 đến 2010). Đơn giản là Beetle thế hệ mới không có những thông số giống như New Beetle, do đó nó không tương thích được với dây chuyền sản xuất cũ. Hệ quả – Volkswagen đã phải dời việc sản xuất Beetle sang một nhà máy khác.
Nhờ khung gầm MQB, Volkswagen hiện được coi là người tiên phong mở ra cuộc cách mạng mới trong lĩnh vực thiết kế xe hơi.
Trên thực tế, đây chỉ là hai trong số không ít ví dụ khiến những nhà lãnh đạo của tập đoàn Volkswagen đau đầu. Lượng sản phẩm quá lớn, mẫu mã đa dạng, nhiều chủng loại, nhiều thương hiệu con khiến một loạt phát sinh như dây chuyền sản xuất, linh phụ kiện đi kèm đã tiêu hao của hãng không ít tiền của. Thực tế đó khiến họ dần quan tâm đến “những thứ” mà các mẫu xe khác nhau có thể cùng chia sẻ. Họ nghĩ đến khung gầm dạng mô-đun như MQP. Có thể nói, mục đích ra đời của khung gầm MQB không gì khác ngoài việc tìm ra tiếng nói đồng nhất giữa các thương hiệu và mẫu mã, qua đó hạn chế tối đa những biến thể hoặc phát sinh không đáng có.
MQB là gì?
MQB được coi là vũ khí mạnh nhất đến thời điểm hiện tại để Volkswagen có cơ hội bứt phá, vươn lên thành hãng xe số 1 thế giới vào năm 2018 (hoặc sớm hơn).
Hiểu một cách đơn giản, MQB chính là nền tảng khung gầm theo dạng thức mô-đun, nhưng không chỉ dành cho một vài mẫu xe, mà là hàng chục mẫu. Kích thước của mỗi xe khác nhau, bệ gầm có thể lớn nhỏ hoặc ít nhiều chi tiết nhưng đã sử dụng khung gầm MQB thì phần bất biến chính là khu vực được tính từ cầu trước cho đến chân ga. Phát ngôn viên hãng Volkswagen – ông Christian Buhlmann chia sẻ, 60% giá trị của một chiếc xe nằm tại khu vực này, đó là trung tâm của hệ dẫn động, hệ thống thông gió và điều hòa không khí HVAC, trục và hệ thống lái. Thế nghĩa là, MQB, dù chiếm không gian không nhiều trên một chiếc xe hoàn chỉnh, nhưng lại nắm trong tay hầu hết những thành tố quan trọng nhất giúp chiếc xe vận hành.
MQB được coi là vũ khí mạnh nhất đến thời điểm hiện tại để Volkswagen có cơ hội bứt phá, vươn lên thành hãng xe số 1 thế giới vào năm 2018.
Để đảm bảo việc lắp ráp khung gầm MQB được suôn sẻ, cho dù thiết kế khung xe trước đó gồm 1 hay 2 bodyside thì với MQB, tất cả đều đi đến thống nhất sẽ gồm hai phần. Điều này có ý nghĩa rất lớn bởi nó khiến bề mặt và các mối hàn ghép sẽ trở nên đồng nhất.
Tiếp theo, một trình tự lắp ráp thống nhất cũng được áp dụng với mọi mẫu xe sử dụng nền tảng MQB. Ví dụ, tất cả chúng sẽ được lắp ráp cabin trên cùng một dây chuyền, các động cơ được đặt nghiêng về phía sau 12 inch, còn các đường dẫn khí thải và các phần phụ trợ của hệ thống dẫn động sẽ không thay đổi. Riêng về động cơ, khung gầm MQB cho phép xe chạy được cả động cơ xăng, dầu diesel, điện, thậm chí động cơ hybrid, nén khí tự nhiện, hệ thống LPG hay chạy bằng Ethanol… Thêm vào đó, góc lắp đặt của động cơ trên nền tảng MQB cũng giống nhau nên không chỉ dễ sản xuất và còn giản lược được khá nhiều chi tiết đi kèm. Volkswagen đã tính toán sao cho họ có thể giảm thiểu các biến thể về động cơ và hộp số tới 88%, thông qua việc phát triển MQB.
Ngoài MQB dành cho xe Volkswagen, hãng mẹ còn cho xây dựng khung gầm MLB (Modular Longitudinal Kit) cho xe Audi, MSB (Modular Standard Car Kit) dành cho Porsche và cả NSF (New Small Family) hiện đang trong quá trình phát triển. NSF được cho là sẽ hướng đến những mẫu xe sản xuất cho thị trường mới nổi.
Cá tính nằm ở đâu?
Sự hình thành của MQB không phải là con đường bằng phẳng. Trên thực tế, với khoảng 310 mẫu xe khác nhau (rải rác ở 11 nhãn hiệu từ Audi, Bentley, Bugatti, Lamborghini, Porsche đến SEAT và Skoda… ), thật khó để tạo cho chúng một điểm chung, càng khó hơn khi điểm chung ấy chính là khung gầm.
Thực tế, hãng mẹ Volkswagen đã sản xuất cả hệ dẫn động, hệ thống điện, thân xe và một số phụ kiện theo kiểu mô-đun. Tuy nhiên, cái khó của họ là làm thế nào để vô số những thành tố khác nhau ấy có thể cùng lắp ráp lại trên nhiều nhãn xe khác nhau mà không biến chúng trở thành những sản phẩm hàng loạt và thiếu cá tính. Họ không muốn sự khác biệt của những mẫu xe khi ấy chỉ là chút ít chi tiết nhỏ ở nội hay ngoại thất, hoặc chỉ là miếng kim loại gắn ở đầu xe, thứ mà người ta vốn gọi tên là logo.
Sự hình thành của MQB không phải là con đường bằng phẳng.
Trên thực tế, trong khi cùng nhau chia sẻ khung gầm MQB, cá tính của các mẫu xe vẫn còn rất nhiều đất diễn. Nhà sản xuất có thể thay đổi kích cỡ bánh, độ dài trục cơ sở, chiều rộng, cao, dài của xe và vị trí ghế ngồi. Bởi vậy, hoàn toàn có căn cứ để nói rằng, dù đó là một chiếc VW hay Audi hay SEAT, Skoda với khung gầm MQB, giữa chúng sẽ vẫn có sự khác biệt. Buhlmann nói rằng, mỗi thương hiệu sẽ đưa ra quyết định riêng của mình về những mẫu xe họ muốn sản xuất, và những yêu cầu cụ thể của mẫu xe đó. Họ sẽ tự cân đối và quyết định bộ kit nào cần được sử dụng.
Còn theo Hackenberg – Giám đốc phát triển của thương hiệu Volkswagen thì: “Nền tảng Modular (mô-đun) đã vượt ra ngoài công nghệ để trở thành công cụ quản lý hỗ trợ phát triển thương hiệu. Bộ công cụ giúp các thương hiệu không chỉ giữ nguyên đặc tính vốn có mà còn làm cá tính trở nên sắc nét hơn”.
Dư luận quanh MQB
Giám đốc điều hành hãng Tư vấn IHS Michael Robinet cho rằng khung gầm MQB “có thể làm thay đổi cuộc chơi, là phác họa quan trọng bậc nhất của bức tranh chế tạo xe Đức trong 25 năm tới đây”. Hãng này cũng ước tính, khi MQB chính thức lên dây chuyền lắp ráp, Volkswagen có thể đạt được doanh số tiêu thụ 10 triệu xe, mà 2/3 trong số đó (tương đương 6.3 triệu) sử dụng nền tảng MQB.
Khi MQB chính thức lên dây chuyền lắp ráp, Volkswagen có thể đạt được doanh số tiêu thụ 10 triệu xe, mà 2/3 trong số đó (tương đương 6.3 triệu) sử dụng nền tảng MQB.
Khi nói về MQB, các đối thủ mạnh của Volswagne cũng đã rất thẳng thắn thừa nhận mình “đã quá dại dột vì không tiến hành những điều tương tự như MQB” – dẫn lời của một viên chức cao cấp thuộc Ford đăng trên tờ Reuter, hoặc: “Không nghi ngờ gì nữa , chúng tôi sẽ bị tụt lại phía sau mất. Trong khi Toyota còn chưa bắt đầu những thay đổi cấu trúc cơ bản thì Volkswagen gần như đã hoàn thiện điều này” – một đại diện cấp cao của Toyota cho hay.
Cả giới phân tích và các thành viên trong ngành công nghiệp chế tạo ô tô đều tin tưởng rằng, MQB có thể dẫn đến một cuộc cách mạng làm thay đổi hoàn toàn thiết kế xe hơi, giống như loạt sản phẩm của Henry Ford hay Toyota một thời. Hãng đã bắt tay vào kế hoạch này từ năm 2007. Trong 10 năm, tổng tiền đầu tư cho dự án ước đạt gần 70 tỷ USD. Nhưng cũng theo dự đoán, đến năm 2019, MQB sẽ giúp Volkswagen tiết kiệm chi phí sản xuất khoảng 19 tỷ USD mỗi năm. Do đó đây là sự đầu tư hết sức khôn ngoan của hãng xe nước Đức.
Đến thời điểm hiện tại, hạn chế rõ nhất có thể thấy của khung gầm MQB là yêu cầu về độ chính xác tuyệt đối khi sản xuất, bởi nếu một chi tiết nhỏ có vấn đề đều có thể dẫn đến những vụ thu hồi hàng triệu xe như đã từng xảy ra với đối thủ Toyota. Tất nhiên, hơn ai hết, Volkswagen sẽ phải hiểu rõ khả năng này.
Volkswagen Long Biên